GIỚI THIỆU VỀ TIẾNG ANH HOME TO SCHOOL
TIẾNG ANH HOME TO SCHOOL là hệ thống bài giảng Tiếng Anh do đội ngũ của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục Việt Mỹ biên soạn theo chương trình Sách Giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
HOME TO SCHOOL ra đời với mục tiêu giúp mọi người có thể tự học, giúp cha mẹ có thể đồng hành cùng con trong từng bài học; tạo môi trường thực hành tiếng Anh như một ngôn ngữ tự nhiên cho tất cả mọi người.
1. Sự cần thiết ra đời HOME TO SCHOOL
1.1. Tiếng Anh đang là ngôn ngữ giao tiếp thịnh hành trên khắp thế giới; là ngôn ngữ chính trong mọi tiến trình đàm phán quốc tế đồng thời cũng là ngôn ngữ đang giữ kho ngữ liệu tri thức nhân loại nhiều nhất hiện nay. Bởi vậy, có thể nói, tiếng Anh là cơ hội cho mọi người trong việc tìm kiếm việc làm, phát triển sự nghiệp và thành công. Không riêng gì thế hệ trẻ mà với bất kì ở độ tuổi nào, việc học tiếng Anh luôn luôn cần thiết và hữu ích cho chính người học.
Trong thực tế, việc học ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, không bao giờ là việc dễ dàng. Người học phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức song kết quả chưa chắc đã như ý. Bởi lẽ, trong hành trình gian nan của việc học ấy, rất nhiều người phải đơn độc ngay trong chính ngôi nhà của mình. Trong khi đó, học ngôn ngữ theo cách của ngôn ngữ tự nhiên lại là phương pháp học tối ưu nhất. Nghĩa là học ngôn ngữ hàng ngày với lời nói, với những trao đổi thường nhật, giống như cách chúng ta học ngôn ngữ của mẹ đẻ. Bởi vậy, để giúp người học thành công trong việc học ngoại ngữ, cần tạo ra môi trường nói, sử dụng tiếng Anh nhiều hơn, đa dạng hơn, tự nhiên hơn. Môi trường đó, không đâu khác chính là gia đình.
Trong sự phát triển của một con người, gia đình luôn luôn là nền tảng quan trọng nhất. Bởi lẽ sứ mệnh giáo dục trước hết phải phát xuất từ hai con người yêu nhau, có ý tưởng lập gia đình, quyết định cùng nhau kiến tạo con người chứ không phải bắt đầu từ khi em bé đến trường. Thực tế cho thấy, tất cả những học sinh được giáo dục tốt từ khi lọt lòng mẹ (thậm chí từ trong bụng mẹ) đều có khả năng và thành tích học và thành công vượt trội hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Trong hành trình học tập của mỗi người, nhà trường chỉ là “đồng hành” chứ không thể “kiến tạo”. Trách nhiệm và sứ mệnh giáo dục thực sự phải bắt đầu từ phụ huynh.
Để hỗ trợ các bậc phụ huynh trong hành trình giáo dục con cái, giúp con có khả năng tiếng Anh tốt và mai này có được một tương lai vững chắc, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục Việt Mỹ cùng những người bạn thấy cần thiết phải có một chương trình dạy học mà cha mẹ, ông bà đều có thể học cùng con cháu, có thể hướng dẫn con cháu học trong bất kỳ hoàn cảnh nào và có thể tạo nền móng tiếng Anh cho cả gia đình theo một lộ trình phù hợp.
1.2. Từ năm học 2016 – 2017, Bộ Giáo dục & Đào tạo tiến hành xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai vào năm 2020. Đây là dự án theo hướng chú trọng đến chất lượng thiết thực, “xã hội hóa” việc dạy - học ngoại ngữ, “một mặt quảng đại cho nhiều người biết tiếng Anh, tạm gọi là “xoá mù”, mặt khác phải đi vào chiều sâu dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông, đại học”. HOME TO SCHOOL ra đời cùng mục tiêu đó của Bộ GD&ĐT, tạo tiền đề cho mọi người có thể sớm nắm vững và sử dụng tốt tiếng Anh, hòa nhập quốc tế.
2. Thực trạng dạy – học tiếng Anh hiện nay
2.1. Thống kê và đánh giá chung
Tính đến thời điểm này, ngoài hệ thống giáo dục phổ thông, cả nước chúng ta có hàng ngàn cơ sở dạy ngoại ngữ (tiếng Anh) cho người Việt. Theo số liệu công bố của Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, tính đến 30/1/2019 có 768 cơ sở bồi dưỡng tiếng Anh, trong đó có 422 cơ sở ngoại ngữ - tin học - bồi dưỡng văn hóa, 335 trung tâm ngoại ngữ - tin học và 11 trung tâm ngoại ngữ - tin học có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng tính đến ngày 5/1, Sở GD&ĐT Hà Nội cấp phép hoạt động trên địa bàn thành phố cho 513 trung tâm ngoại ngữ, tin học. Trong đó có 246 trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, 202 trung tâm ngoại ngữ-tin học không có yếu tố nước ngoài và 47 trung tâm ngoại ngữ-tin học và nghiệp vụ chuyên ngành ngắn hạn. Như vậy, chỉ riêng hai thành phố lớn của đất nước, con số này đã lên đến 1281 cơ sở dạy học Tiếng Anh.
Đồng thời trên mạng Internet, các chương trình đào tạo, video, bài giảng, có thể nói là “tràn ngập” - sẵn sàng cung cấp cho người học mọi nơi, mọi lúc.
Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy, thực trạng dạy học tiếng Anh cho người Việt hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu vì những lí do sau:
2.2. Thực trạng về tài liệu học tập tiếng Anh
Thứ nhất, tình trạng có quá nhiều tài liệu học tập khiến người học nếu chỉ tự mình tìm kiếm sẽ sa vào “mê hồn trận”, bối rối không biết đường nào mà lần. Nếu là một người ham học lại càng "nguy hiểm" vì “lang thang” hết tài liệu này đến tài liệu khác. Cuối cùng, mất thời gian mà hiệu quả lại không đạt được như mong muốn.
Thứ hai, hầu hết, các tài liệu hay video hướng dẫn đều của nước ngoài, giáo viên giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh nên người bắt đầu học không thể theo kịp, dẫn đến tình trạng ngán, nản và sợ tiếng Anh ngay từ bước đầu.
Thứ ba, riêng về chương trình học trong nhà trường phổ thông hiện nay, tình trạng thiếu tài liệu khá phổ biến. Tài liệu chủ yếu chỉ có sách giáo khoa và đĩa CD (file nghe). Vì vậy, việc học chưa thể hấp dẫn và thu hút học sinh; chưa đủ vốn cho học sinh có thể học/luyện theo trong quá trình học.
2.3. Thực trạng về tình hình dạy học tiếng Anh
Với số lượng trung tâm dạy bồi dưỡng tiếng Anh, các lớp dạy thêm tiếng Anh trong cộng đồng, có thể nói, đủ để đáp ứng nhu cầu cho người học. Tuy nhiên, đi kèm với việc học sinh vào trung tâm học là những khoản chi phí và hệ lụy:
Thứ nhất, chi phí học khá cao. Trung bình một học sinh học thêm tại nhà của giáo viên phải đóng khoảng từ 1.000.000đg/1 tháng; nếu đến trung tâm thì học phí phải từ 3.000.000/tháng trở lên; nếu đến các trung tâm có thầy bản ngữ, con số này có thể lên đến hàng chục. Trong khi thu nhập của người dân Việt Nam vẫn hết sức khiêm tốn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu nhập bình quân đầu người khoảng 2 triệu đồng/tháng vào năm 2012; khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng vào năm 2016. Đặc biệt là khu vực nông thôn tổng thu nhập bình quân đầu người trên tháng năm 2016 chỉ là 2,4 triệu đồng, thấp hơn mức bình quân, trong khi 66% dân số là ở nông thôn. Năm 2018 được đánh giá là GDP tăng cao cũng chỉ ước đạt 58,5 triệu/năm. Như vậy, ít nhất 70% dân số không có cơ hội để học thêm hay đến các trung tâm Anh ngữ hiện nay. Điều đó có nghĩa là cơ hội học tiếng Anh của đa số người dân vẫn vô cùng ít ỏi.
Thứ hai, nếu chỉ trông cậy vào việc dạy học của nhà trường, điều này sẽ dẫn tới quá sức vì sự hạn chế thời gian trên lớp trong khi số học sinh trong mỗi lớp học thường không dưới 40 học sinh. Giáo viên giảng dạy dù nhiệt tâm đến mấy cũng khó có thể cho luyện đọc/nói được mỗi học sinh 1 lần trong mỗi bài học.
Vậy, làm sao học sinh có thể nói được tiếng Anh?
3. Những khác biệt của HOME TO SCHOOLso với các chương trình dạy học tiếng Anh cho người Việt hiện nay
Thứ nhất, về cơ hội học tập và chia sẻ
Chỉ cần có một chiếc máy có thể truy cập Internet, người học có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào mà họ có thể. Chương trình hoàn toàn không hạn chế đối tượng học. Người học có thể cùng học với gia đình, vừa học, vừa có thể dừng bài để ghi nhớ, để đố, để thi... tạo nên không khí học tập vui vẻ, hòa đồng. Một người học mà cả nhà cùng học. Chính điều này giúp nâng khả năng sử dụng tiếng Anh cho cả gia đình, đồng thời làm cho mọi thành viên trong gia đình gắn bó hơn, yêu thương hơn; bạn bè cũng có thể cùng học để chia sẻ và gắn bó hơn. Đó chính là mục tiêu của chương trình này.
Thứ hai, về mục tiêu bài học
Khác với nhiều chương trình dạy học tiếng Anh hiện nay đang tìm sự khác biệt, HOME TO SCHOOL bám sát nội dung chương trình sách giáo khoa hiện hành nhằm giải quyết cho người học ba mục tiêu: 1) đạt được chất lượng tiếng Anh thực thụ để sử dụng trong cuộc sống và lấy được các chứng chỉ quốc tế khi cần thiết; 2) đạt được thành tích học tập trên lớp, đáp ứng được yêu cầu của các kì thi trong hệ thống giáo dục quốc gia; 3) Giao tiếp lưu loát với người bản ngữ.
Thứ ba, về phương pháp
Bài học vận dụng nhiều phương pháp dạy học hiện đại, vừa phát huy khả năng tưởng tượng để ghi nhớ từ vựng (phương pháp montessori), vừa luyện khả năng tư duy logic để ghi nhớ lâu dài (phương pháp sơ đồ tư duy), vừa gợi cảm hứng học tập một cách hào hứng, học mà chơi, chơi mà học (phương pháp trò chơi), vừa vận dụng các phương pháp đặc thù của học tiếng như đọc đuổi, nói đuổi, luyện phản xạ theo cách tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên.
Tất cả các phương pháp được vận dụng một cách phù hợp theo từng nội dung để kích hoạt tối đa trí tuệ và khả năng ghi nhớ, vận dụng của người học.
Thứ tư, về tính hấp dẫn của bài học
Cùng với các phương pháp đa dạng như trên, hình thức thể hiện các nội dung của bài học cũng hết sức phong phú. Trong bài có hình ảnh, có âm thanh, có âm nhạc, có video và sơ đồ hệ thống… khiến cho người học không bị nhàm chán ở bất cứ một nội dung nào. Điều này đảm bảo cho tính bền của việc học. Giúp người học có thể kiên trì đồng hành cùng chương trình.
Thứ năm, về nội dung - quy mô của chương trình
Với mục tiêu bám sát chương trình sách giáo khoa, HOME TO SCHOOL được biên soạn theo hệ thống bài học từ tiểu học đến trung học phổ thông. Trong đó, mỗi bài học đều chú trọng cung cấp và rèn luyện trên cả 4 kĩ năng nghe – nói – đọc – viết cho người học.
Thứ sáu, điểm đặc biệt nhất của bài học chính là tạo cho người học SỰ TIỆN LỢI và khả năng CHỦ ĐỘNG – Bạn có quyền học bất cứ lúc nào, ở đâu, học trong bao lâu… và nếu bạn cần, bạn có thể nghe đi nghe lại, luyện nói nhiều lần trên âm, câu, bài… chỉ với một click chuột.
4. Thiết kế và triển khai HOME TO SCHOOL, những người làm chương trình, biên soạn và thiết kế chúng tôi không có mong muốn gì hơn là có thể giúp mọi người:
+ Vừa thỏa mãn nhu cầu học tập của mọi người học vừa kích hoạt được năng lực ngoại ngữ tiềm ẩn trong mọi gia đình để cùng phát triển;
+ Góp phần áp dụng thành công chương trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của mọi người Việt Nam trong tương lai.
Hi vọng, chương trình của chúng tôi sẽ có ích cho Quý vị và các bạn trong học tập, cũng như đem đến cho Quý vị những phút thư giãn – VUI MÀ HỌC – HỌC MÀ VUI.
Trân trọng.